Kiến thức nhà nông

Sử dụng phân chuồng trong canh tác nông nghiệp

Đăng lúc 05/07/2024
Bởi webhd
735 Lượt xem
735 Lượt xem
Rau_bao_01

Việc sử dụng phân chuồng làm phân bón mang tính truyền thống trong quản lý đất đai cho một nền nông nghiệp bền vững. Chúng được sử dụng có hiệu quả nhất khi kết hợp với các biện pháp khác bao gồm việc luân canh, trồng cỏ phủ mặt đất để làm phân xanh, sử dụng vôi bột và các nguyên liệu tự nhiên khác, các loại phân bón với sự điều chỉnh thích hợp cho các hoạt động của vi sinh vật.
Hình thức thông dụng nhất khi sử dụng phân chuồng là hoặc dưới dạng thô (còn tươi hoặc đã khô) hoặc dưới dạng đã ủ hoai mục. Bài viết này nêu ra những ưu điểm và các điều kiện bắt buộc khi sử dụng phân chuồng dưới một trong hai dạng trên.

I. SỬ DỤNG PHÂN CHUỒNG THÔ- VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP.

Phân chuồng thô là một nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho việc canh tác rau màu theo hướng hữu cơ. Nó cung cấp chất dinh dưỡng, chất mùn hữu cơ và kích thích các hoạt động của vi sinh vật trong đất để tạo nên độ phì nhiêu. Mặc dù vậy, một vài loại phân chuồng không được khuyến khích vì nhiều lý do, trong đó có việc quan tâm về chất lượng nông sản, thực phẩm bị nhiễm độc, dinh dưỡng đất đai mất cân đối, vấn đề cỏ dại và sự ô nhiễm môi trường.

1. Sự quan tâm về chất lượng nông sản:

Từ rất lâu chúng ta đã biết rằng việc sử dụng không đúng cách phân chuồng thô có thể làm đảo lộn hiệu quả ảnh hưởng đến chất lượng các loại rau màu như: Khoai tây, dưa leo, bầu bí, củ cải, bông cải, cải bắp …
Vì khi phân chuồng phân hủy trong đất, những hợp chất hóa học như Skatole, Indole, các hợp chất Phenol được phóng thích ra và được cây trồng hấp thu. Sự kiện này có thể làm mất hương vị tự nhiên và có mùi hôi khi các loại rau quả này được nấu nướng để ăn. Vì lý do này, không nên bón trực tiếp phân chuồng thô vào các loại rau màu đang phát triển.

2. Sự nhiễm các độc chất:

Một vài loại phân chuồng có chứa các dư lượng độc tố như các chất kích thích, các kháng sinh, thuốc sát trùng, vi khuẩn gây bệnh và các yếu tố hữu cơ khác. Nhiều chất trong số các độc tố này có thể khử đi được qua kỹ thuật ủ háo khí có nhiệt độ cao. Từ đó người ta khuyến cáo áp dụng kỹ thuật ủ phân chuồng đúng cách để làm cho hoai mục và triệt tiêu các dư lượng kể trên trước khi sử dụng để bón cho rau màu. Tuy nhiên một vài loại phân chuồng như phân heo, phân chó, phân mèo, vẫn không được khuyến cáo vì những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vi khuẩn Salmonella và E.Coli vẫn có thể tồn tại dù phân chuồng đã được ủ kỹ theo đúng kỹ thuật chứ chúng không hoàn toàn bị triệt tiêu như trước đây người ta vẫn nghĩ. Khả năng có thể truyền bệnh càng làm cho phân chuồng thô không được khuyến khích sử dụng để bón lót hoặc bón thúc cho các loại rau màu, đặc biệt không nên dùng phân chuồng thô bón cho các loạiï rau ăn củ hoặc ăn lá nhất là với các loại có thể dùng ăn sống.

Một vài lời khuyên:

– Nếu sử dụng phân chuồng thô thì nên bón ít nhất 60 ngày trước khi thu hoạch đối với các loại rau dùng ăn sống. Nếu có thể thì tránh bón phân chuồng thô sau khi đã gieo trồng.
– Không nên dùng phân chuồng pha vào nước rồi tưới cho rau.
– Không nên sử dụng phân chó, phân mèo, và phân heo bón cho rau màu vì các loại phân này có chứa các ký sinh trùng có thể lây lan sang con người.
– Nên rửa thật sạch các loại rau đã được bón phân chuồng thô trước khi ăn.

3. Sự mất cân đối dinh dưỡng.

Việc sử dụng phân chuồng thô thường gây ra tình trạng mất cân đối dinh dưỡng trong đất canh tác. Những sự kiện gây nên tình trạng này có thể bao gồm:

a. Phân chuồng thường giàu một số chất dinh dưỡng nào đó như lân hoặc kali. Thông thường thì rất tốt cho việc canh tác nhưng sử dụng nhiều và lập đi lập lại sẽ gây nên tình trạng dư thừa một hoặc hai nguyên tố gây nên tình trạng mất cân đối dinh dưỡng. Một thí dụ điển hình có thể kể ra như sau: Việc sử dụng quá nhiều phân gà thô đã gây nên sự thừa lân trong đất và các vùng nước lân cận bị ô nhiễm bởi lân. Các chất dư thừa cũng ngăn cản cây trồng hấp thụ các khoáng chất khác. Sự dư thừa lân ngăn cản cây trồng hấp thụ đồng và kẽm. Kali dư thừa làm giảm hiệu năng của Bor, Măng gan và ngay cả Magnesium (Ma-nhê).

b. Sử dụng liên tục phân chuồng thô sẽ làm cho đất có tính acid (bị chua). Khi phân chuồng bị phân hủy thường phóng thích nhiều acid hữu cơ khác nhau, những acid hữu cơ này hỗ trợ quá trình chuyển hóa các khoáng chất sang dạng dễ dàng cho cây hấp thụ. Đây là một lợi ích của việc sử dụng phân chuồng nhưng ít được ghi nhận. Tuy nhiên theo thời gian, sự chuyển hóa các khoáng chất quá nhanh sẽ làm cho lượng calci trong đất bị cạn kiệt và kết quả là độ acid trong đất vượt ra khỏi ngưỡng tối ưu cho hầu hết các loại cây trồng. Tuy phân chuồng thô có cung cấp calci cho đất nhưng không đủ để gây hiệu quả ngược lại với khuynh hướng gia tăng độ acid của đất. Một giải pháp có thể sử dụng là bón thêm calci (Sử dụng bột vỏ sò, bột xương hoặc các nguồn calci khác trộn thêm vào).

c. Một số phân chuồng tươi có chứa một lượng lớn đạm và muối khoáng. Khi dùng bón cho các loại cây trồng đang canh tác, những muối khoáng này có thể gây hậu quả tương tự như việc bón quá nhiều các phân bón hóa học. Với số lượng quá dư thừa chúng có thể làm cháy rễ các cây con, giảm khả năng chống chịu sâu bệnh và làm giảm thời gian bảo quản của nông sản. Dư thừa độ mặn trong đất thường liên quan với việc bón phân chuồng quá nhiều trong những vùng đất mà khả năng rửa trôi tự nhiên kém. Khi bón quá nhiều phân chuồng đến độ có thể gây nên đất bị nhiễm muối, người ta thường ngăn ngừa bằng cách trộn thêm vôi bột carbonat vào đất sau khi bón phân chuồng và tưới một lượng nước thật đẫm để rửa bớt lượng muối.

Cách tốt nhất để tránh tình trạng bất cân đối dinh dưỡng là theo dõi đất bằng các phương pháp phân tích thích hợp. Từ đó người nông dân có thể sử dụng vôi bột hoặc các loại phân khác để điều chỉnh hầu bảo đảm sự cân đối dinh dưỡng hoặc đưa ra một chế độ nghiêm nhặt về lượng phân chuồng sử dụng.
Việc phân tích chính phân chuồng cũng được khuyến cáo để biết rõ giá trị dinh dưỡng của từng loại. Hàm lượng chuẩn xác các chất dinh dưỡng của từng loại phân chuồng tùy thuộc không những vào loại súc vật nuôi mà còn tùy thuộc vào khẩu phần dinh dưỡng, loại nguyên vật liệu trải chuồng, lượng chất lỏng thêm vào, cách thu gom và kỹ thuật xử lý.

4. Vấn đề cỏ dại:

Việc sử dụng phân chuồng thô thường liên quan tới vấn đề gia tăng cỏ dại. Trong một số trường hợp, vấn đề này có thể là do hạt cỏ có trong các loại phân trộn vào đất để lên luống, liếp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, sự phát triển mạnh mẽ của cỏ dại sau khi bón phân chuồng không phải do hạt cỏ có sẵn trong phân nhưng do tính năng kích thích của phân chuồng đối với hạt cỏ có sẵn trong đất. Việc cỏ dại mọc tràn lan và xanh tốt có thể do các hoạt động sinh học, sự hiện diện của các acid hữu cơ hoặc sự phì nhiêu của đất canh tác được gia tăng. Tùy thuộc vào loại cỏ dại phát triển, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự bất cân đối dinh dưỡng đã nói tới ở trên. Sự dư thừa kali và đạm đặc biệt ảnh hưởng tới vấn đề cỏ dại. Bên cạnh việc theo dõi đất đai và dinh dưỡng trong phân chuồng, sự quan tâm tới việc bón phân cũng góp phần làm giảm cỏ dại mọc tràn lan.

5. Sự ô nhiễm môi trường: 

Khi các chất dinh dưỡng trong phân chuồng thô bị rửa trôi hoặc ngấm xuống đất từ các nông trại hoặc các khu vực tồn trữ, chúng không những gây nên tình trạng ô nhiễm mà còn gây thất thoát cho nhà nông. Khi bị ngấm xuống các tầng nước ngầm, các hợp chất Nitrat trong phân chuồng cũng như từ các nguồn phân bón khác gây nên nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe con người. Khi bị trôi theo dòng nước, các chất dinh dưỡng gây nên hiện tượng phú dưỡng làm cho nước ao hồ, sông suối quá giàu dinh dưỡng gây nên tình trạng rong rêu phát triển. Hậu quả nghiêm trọng của việc thất thoát quá nhiều dưỡng chất có thể phải xem xét xa hơn là những vấn đề đơn giản đặt ra từ ban đầu. Ví dụ lượng nitrat dư thừa từ các vùng đất nông nghiệp trong lưu vực một dòng sông có thể được xem là nguyên nhân gây ra các Khu Vực Tử Thần trên dòng sông đó, các khu vực bị mất Oxygen đe dọa tôm, cá và các sinh vật sống dưới nước.
Cách thức thu gom, tồn trữ và xử lý phân chuồng trước khi đem ra sử dụng trên đất canh tác rất quan trọng trong việc bảo tồn và duy trì sự ổn định các chất dinh dưỡng quý giá và chất mùn hữu cơ.
Để giảm thiểu được sự thất thoát dinh dưỡng do hiện tượng rửa trôi hoặc ngấm xuống đất là một sự kiện liên quan cả về số lượng lẫn thời gian bón. Khi bón một lượng quá nhiều hơn nhu cầu của cây trồng sẽ làm gia tăng cơ hội thất thoát chất dinh dưỡng, đặc biệt trong các vùng hay có mưa lớn. Thời gian bón phân cũng vậy, thí dụ phân chuồng được trải trên mặt đất trống, có độ dốc lớn thì chắc chắn sẽ bị rửa trôi, đặc biệt là ở những vùng thường có mưa lớn.
Kỹ thuật ủ phân trong đất (trải đều phân lên mặt rồi cày xới trộn vào đất) hoặc bón cho các loại cỏ phủ mặt đất là hai biện pháp được khuyến khích để bảo tồn chất dinh dưỡng mà các dinh dưỡng này sẽ được sử dụng cho vụ mùa kế tiếp. Dĩ nhiên các loại cỏ trồng phủ mặt đất phải được lựa chọn cẩn thận chứ không phải các loài cỏ dại. Đây là kỹ thuật trồng cỏ để hấp thụ hết tất cả các chất dinh dưỡng hòa tan trong đất, ngăn ngừa các chất dinh dưỡng ngấm xuống các tầng nước ngầm hoặc bị rửa trôi đi mất, sau đó xử dụng chúng như một nguồn phân xanh.

II. PHÂN CHUỒNG ĐÃ Ủ HOAI MỤC:

Một quy trình ủ đúng kỹ thuật sẽ chuyển hóa phân súc vật, nguyên liệu độn trải chuồng và các sản phẩm thô khác thành mùn hữu cơ, là một thành phần tương đối ổn định, giàu dinh dưỡng hỗ trợ các phản ứng hoá học, có trong các vùng đất phì nhiêu. Trong các mùn hữu cơ ổn định, không có đạm amoni tự do hoặc các hợp chất nitrat hòa tan, nhưng có một lượng lớn chất đạm dưới dạng protein, các amino acid và các thành phần sinh học khác. Các chất dinh dưỡng khác cũng được giữ ổn định trong phân chuồng đã ủ hoai.

Sử dụng phân chuồng đã được ủ hoai mục và đúng kỹ thuật làm giảm rất nhiều các sự kiện tiêu cực liên quan tới việc sử dụng phân chuồng thô. Phân chuồng ủ hoai được coi là loại phân an toàn vì nó không làm cháy rễ cây trồng, và cũng không gây nên hiện tượng mất cân đối dinh dưỡng ngắn hạn. Chúng có thể được sử dụng để bón thẳng cho rau quả đang trồng mà không cần lo lắng nhiều lắm. Hiện tại có nhiều loại phân hữu cơ được chế biến từ phân chuồng ủ hoai mục và thêm các chất khác để làm giàu và cân đối dinh dưỡng như bột đá phốt pho, các phế phẩm thực vật giàu dinh dưỡng, các phế phẩm khác của động vật như bột máu, bột xương đã xử lý…
Chất lượng của phân chuồng ủ tuỳ thuộc vào các nguyên liệu sử dụng và kỹ thuật ủ. Nếu không được bổ sung bằng một chất nào khác thì phân gà nuôi chuồng đã được ủ cho oai mục, mặc dù ổn định về chất lượng hơn loại phân gà tươi nhưng vẫn bị thừa lân và thiếu calci. Liên tục sử dụng một thời gian dài có thể gây nên tình trạng mất cân đối dinh dưỡng trong đất giống như hiện tượng này của việc sử dụng phân chuồng thô đã nói ở trên. Để tránh tình trạng này người ta khuyến cáo nên phân tích thử nghiệm phân chuồng, đất và phân ủ để biết rõ hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng.

III. KHI NÀO THÌ NÊN BÓN PHÂN CHUỒNG CHO ĐỒNG RUỘNG:

Nói chung, phân chuồng phát huy tác dụng mạnh nhất khi được bón ngay trước khi trồng tỉa. Tuy nhiên, nếu đã được ủ cho hoai mục và đúng kỹ thuật thì an toàn hơn và có thể dùng bón dặm khi cây rau đang phát triển. Theo kinh nghiệm của một nông gia trồng rau màu kinh doanh thì các loại cây trồng như bí, bắp, các loại đậu phát triển tốt và hiệu quả nhất khi phân chuồng đã được ủ cho hoai mục được trải đều và cày độn vào đất ngay trước khi trồng. Đối với các loại rau ăn lá cũng cho kết quả tương tự và người ta khuyến cáo chỉ nên dùng phân chuồng đã ủ hoai. Các loại rau như cải bắp, cà chua, khoai tây và các rau ăn củ thì lại phát triển tốt và hiệu quả nhất nếu phân chuồng được sử dụng từ vụ trước.
Để tận dụng tối đa lượng dinh dưỡng trong phân chuồng, phương pháp cày vùi cho kết quả tốt nhất. Theo phương pháp này người ta trải đều phân chuồng trên mặt đất rồi ngay sau đó cày hoặc cuốc vùi vào trong đất. Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu trải phân chuồng trên mặt đất và để lâu quá 4 ngày thì lượng dinh dưỡng bị mất đi 21%. nếu cày vùi phân vào đất ngay sau khi trải thì lượng thất thoát này giảm xuống chỉ còn 5%.

IV.KẾT LUẬN:

Phân chuồng, kể cả phân thô hoặc đã ủ hoai đều có thể dùng để canh tác rau màu. Nếu sử dụng đúng kỹ thuật và quan tâm tới sự cân bằng dinh dưỡng trong đất canh tác thì phân chuồng có thể thay thế hoàn toàn các loại phân hóa học nhân tạo. Đặc biệt là kết hợp chặt chẽ các phương pháp canh tác hữu cơ như luân canh, trồng cỏ phủ đất rồi cày vùi, xen vụ các loại rau có khả năng cố định đạm (các họ đậu).
Nói cách khác người nông dân cần quan tâm đầy đủ về sự cân đối dinh dưỡng trong đất bằng cách thường xuyên theo dõi độ dinh dưỡng của đất, đồng thời với việc tìm hiểu kỹ về giá trị dinh dưỡng của mỗi loại phân chuồng dự tính sử dụng. Từ đó chỉ cần điều chỉnh lượng phân sử dụng và thêm thắt một ít các nguồn dinh dưỡng khác để bổ sung các chất mà phân chuồng còn thiếu. /.

Đánh giá
Tin liên quan
webhd

Lorem Ipsum is simply dummy text of the printing and typesetting industry. Lorem Ipsum has been the industry's standard dummy text ever since the 1500s, when an unknown printer took a galley of type and scrambled it to make a type specimen book.